Dữ liệu là một yếu tố quan trọng của bất kỳ ngân hàng nào. Bởi vậy quản trị dữ liệu có thể được coi là vấn đề sống còn tại các ngân hàng. Để kiểm soát tốt dữ liệu, ngân hàng cần tập trung vào việc gợi mở các đặc điểm thiết yếu đối với quản trị dữ liệu của các ngân hàng
Các ngân hàng nhà nước cần nhận định quản trị dữ liệu như một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thương mại. Bởi vì, trên thực tế triển khai tại các quốc gia khác, các chức năng này không chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu về quy định an toàn mà còn giúp các Ngân hàng thương mại tạo ra được các lợi thế kinh doanh mới.
Đây là nội dung rất quan trọng để đảm bảo rằng các dữ liệu của từng Ngân hàng thương mại nói riêng và của hệ thống nói chung có chất lượng. Kho dữ liệu của từng Ngân hàng thương mại có thể góp phần tạo thành được hệ thống dữ liệu quốc gia, giúp ích cho hoạt động ra quyết định điều hành của Ngân hàng thương mại.
Các Ngân hàng thương mại sẽ có thể hưởng lợi rất lớn khi dựa vào công nghệ mới để dần dần thay đổi được mô thức kinh doanh cũ, tiết giảm đáng kể chi phí ra quyết định, tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt và am hiểu khách hàng để thiết kế được các sản phẩm cạnh tranh hơn.
Trong bối cảnh cạnh tranh nội ngành đang ngày càng gay gắt và cả nước đang xây dựng các cơ sở dữ liệu chung về dân cư, doanh nghiệp…, các Ngân hàng thương mại cần nhanh chóng tận dụng được lợi thế từ dữ liệu để có thể tìm ra được thế mạnh mới cho hoạt động kinh doanh.
Xây dựng được ý thức rõ ràng về tầm quan trọng, vai trò cũng như các yêu cầu về quản trị dữ liệu trong tương lai dài hạn của Ngân hàng thương mại. Từ đó, các quyết định về việc phân bổ nguồn lực, xây dựng chiến lược dài hạn về công nghệ, kinh doanh… sẽ được thực thi trên cơ sở cân nhắc đầy đủ các yếu tố. Khi đó, các Ngân hàng thương mại mới có thể sẵn sàng cho những sự thay đổi cần thiết trong hoạt động để tận dụng được các giá trị của dữ liệu có thể mang lại.
Quá trình triển khai quản trị dữ liệu của Ngân hàng thương mại nên bao gồm bốn bước là: Thiết lập cấu trúc quản trị; xây dựng các chính sách, quy trình; vận hành và thực thi các chính sách; kiểm soát hiệu quả của quản trị dữ liệu. Tùy theo đặc điểm của từng Ngân hàng thương mại, các lãnh đạo của Ngân hàng thương mại sẽ cân nhắc vào nguồn lực để xây dựng được bộ máy, quy trình quản trị dữ liệu một cách phù hợp với mục đích sử dụng. Trong quá trình đó, các Ngân hàng thương mại nên tham khảo những phương thức quản trị dữ liệu của các Ngân hàng thương mại quốc tế đi liền với tuân thủ các quy định pháp lý về an toàn, bảo mật thông tin khách hàng…
Các Ngân hàng thương mại Việt Nam đang có nhiều lợi thế để khai thác được các dữ liệu từ cả các nguồn bên ngoài, bên cạnh các dữ liệu nội bộ. Nhưng để tận dụng được chúng, không chỉ yêu cầu các Ngân hàng thương mại quản trị dữ liệu tốt mà còn cần đẩy mạnh các công nghệ mới như học máy, trí tuệ nhân tạo… vào quá trình xử lý và ra quyết định. Khi đó, thế mạnh của quản trị dữ liệu tốt mới thật sự được phát huy tối đa.
Với xu hướng phát triển của nền kinh tế nói chung, quản trị dữ liệu tốt đang dần trở thành công cụ giúp hoạt động của các doanh nghiệp trở nên hiệu quả hơn. Trong đó, các Ngân hàng thương mại cần đặc biệt chú ý đến vấn đề này còn bởi yêu cầu về an toàn, bảo mật với dữ liệu khách hàng. Do đó, đầu tư cho quản trị dữ liệu cũng nên được xem là một khoản đầu tư mang tính chiến lược đối với các Ngân hàng thương mại và cần được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc ngay từ đầu.